Bảo tồn cảnh quan và di sản kiến trúc Kiến_trúc_Đà_Lạt

Một ngôi biệt thự bị bỏ hoang trên đường Nguyễn Du. Trong khắp thành phố, rất nhiều những ngôi biệt thự cổ đang bị bỏ hoang hoặc biến thành nhà trọ.

Vấn đề bảo tồn cảnh quan và di sản kiến trúc Đà Lạt đã được nhắc đến từ rất lâu. Trong những đồ án quy hoạch của Hébrard, Pineau, Mondet và Lagisquet, bảo vệ "tầm nhìn toàn cảnh cao nguyên với cảnh quan tuyệt vời" luôn là mối lưu tâm đầu tiên của các kiến trúc sư. Vào cuối thập niên 1960, nhiều học giả bắt đầu lên tiếng cảnh báo về vấn đề môi sinh của Đà Lạt, đặc biệt là tiến trình bồi lắng quá nhanh của hồ Xuân Hương.[29] Cho tới những thập niên gần đây, sự phát triển dân số và quá trình đô thị hóa ồ ạt đã gây nhiều tổn hại tới cảnh quan thiên nhiên cũng như các di sản kiến trúc của thành phố. Nhiều khu rừng nội ô đã bị tàn phá nặng nề, dành diện tích cho các công trình xây dựng hoặc canh tác nông nghiệp. Vào thập niên 1960, diện tích rừng thông của thành phố Đà Lạt khoảng 90 ngàn hecta, nhưng tới năm 1978 con số giảm xuống chỉ còn 30 ngàn, và năm 2010 toàn bộ diện tích thông của Đà Lạt chỉ còn 14 ngàn hecta.[94] Những cánh rừng thông bên cạnh các thắng cảnh, dinh thự như Dinh I, Dinh III, Thung lũng Tình Yêu, đèo Prenn... dần bị thu hẹp. Ngoài ngoại ô, nhiều khu rừng bị đốn hàng loạt để khai thác nhựa hoặc đục thân cây thông lấy ngo dầu. Những dự án xây dựng bên hồ Tuyền Lâm cũng khiến hàng trăm ngàn cây thông nơi đây bị đốn chặt.[94] Việc thu hẹp diện tích rừng và mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp đã ảnh hưởng tới các hồ và nguồn nước của Đà Lạt. Hai hồ Vạn Kiếp và Mê Linh ngày nay đã hoàn toàn biến mất, còn những hồ như Than Thở, Dankia trở nên dần cạn,[95] khiến thành phố phải đối mặt với vấn đề thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô.[96] Cảnh quan kiến trúc của Đà Lạt cũng bị biến dạng bởi sự phát triển thiếu quy hoạch. Nhiều ngôi nhà ống, nhà hộp mọc lên dày đặc trong khu vực trung tâm và hầu hết kiến trúc nhà ở của người dân chắp vá và không đồng bộ. Bên cạnh đó, những công trình quy mô lớn cũng làm phá vỡ cảnh quan của thành phố. Cho tới năm 2010, Đà Lạt vẫn không có một bản quy hoạch chi tiết, dù đã được quy hoạch chung nhiều lần.[95]

[...] nước ta chỉ có Huế và Đà Lạt được gọi là đô thị di sản. Trong khi Huế vẫn giữ được sự thống nhất và bản sắc kiến trúc của xã hội Việt Nam cuối thời kỳ phong kiến thì Đà Lạt đang phai phôi. Đà Lạt phát triển lớn mạnh nhưng sẽ trở thành như bất kỳ thành phố nào ở nước ta, nói khác hơn là Đà Lạt đang đánh mất cái mình đang có.[95]
— Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính

Không ít những di sản kiến trúc của Đà Lạt chịu sự tàn phá của thời gian mà không được bảo tồn chu đáo. Trong khuôn viên Trường Cao đẳng Sư phạm, một biểu tượng của thành phố, hàng trăm người dân sinh sống và xây dựng những ngôi nhà trọ dành cho sinh viên.[97] Tương tự, khuôn viên di tích kiến trúc nhà ga Đà Lạt cũng trở thành bãi tập kết gốm sứ, cây cảnh và là nơi những người nông dân trồng rau bắp cải. Khu lăng tẩm Nguyễn Hữu Hào từng bị bỏ quên một thời gian và trở thành nơi tập trung của những người nghiện ma túy cùng các hoạt động mại dâm.[98] Trên khắp thành phố, nhiều ngôi biệt thự cổ bị bỏ hoang hoặc "chung cư hóa", một vài trong số đó còn bị gọi là những "biệt thự ma".[99] Trong khoảng 1.900 ngôi biệt thự được xây dựng trước năm 1975, một nửa đã được thành phố cho các doanh nghiệp mua hoặc thuê lại để khai thác. Tuy vậy, phần lớn những ngôi biệt thự này vẫn rơi vào tình cảnh bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng, còn một số khác nhường chỗ cho những nhà hàng, khách sạn mọc lên.[30] Trong những nỗ lực bảo tồn di sản kiến trúc của Đà Lạt, một số đã tìm được thành công. Những ngôi biệt thự bên đường Trần Hưng Đạo và khu biệt thự Lê Lai được các công ty Cadasa và Ana Mandara trùng tu, giữ nguyên vẹn kiến trúc cũ, đưa vào khai thác và trở thành những khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp.[99]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kiến_trúc_Đà_Lạt http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/lua-bao-trum-... http://web.archive.org/web/20100710152513/http://w... http://web.archive.org/web/20120808033755/http://w... http://web.archive.org/web/20121028033114/http://w... http://web.archive.org/web/20140221171406/http://w... http://web.archive.org/web/20140221190340/http://w... http://baolamdong.vn/xahoi/201012/da-Lat-Hoi-sinh-... http://books.google.com.vn/books?id=B0jxZwEACAAJ http://books.google.com.vn/books?id=bO2tQwAACAAJ http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/11...